Những lần Nga và Trung Quốc giao tranh ác liệt trong lịch sử
Nga và Trung Quốc là hàng xóm và cũng là đối thủ cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực Viễn Đông trong suốt hơn 3 thế kỷ. Số lần hai quốc gia này bị cuốn vào xung đột ác liệt chỉ đếm bằng đầu ngón tay.
Bài viết đăng tải trên báo Nga RBTH của tác giả Boris Egorov đã điểm lại chi tiết những lần Nga và Trung Quốc đụng độ quân sự.
Cuộc chiến ở pháo đài Albazin
Năm 1650, những người Cossack được Sa hoàng Nga Alexei Mikhailovich giao sứ mệnh khám phá vùng phía đông Siberia, kéo dài đến sông Amur chảy ra Thái Bình Dương.
Đó là lần đầu tiên trong lịch sử người Nga bắt đầu thực sự biết đến nền văn minh Trung Hoa.
Dĩ nhiên, người Nga và người Trung Quốc đã biết về nhau từ sớm hơn. Đó là vào thời Trung Cổ, khi đội quân Mông Cổ hùng mạnh càn quét không chỉ đế quốc Nga và mà còn cả Trung Nguyên.
Nhưng ở thời đó, người Nga và người Trung Quốc không hề có liên lạc hay trao đổi giao thương.
Đến nửa sau thế kỷ 17, tình hình đã rất khác. Những người Cossack đến vùng Viễn Đông khai hoang, gặp gỡ người bộ lạc Daurian.
Pháo đài Albazin là nơi binh sĩ từng hai lần đụng độ với quân nhà Thanh của Hoàng đế Khang Hy.
Bộ lạc này đã sống bên bờ sông Amur từ lâu đời và hàng năm đều cống nộp cho nhà Thanh. Những người Cossack muốn bộ lạc Daurian quay sang trung thành với Sa hoàng Nga mà không biết rằng họ đang chọc giận hoàng đế Trung Hoa Khang Hy.
Suốt hàng thập kỷ sau đó, người Nga giao tranh với người Trung Hoa. Xung đột lên đến đỉnh điểm bởi hai cuộc bao vây pháo đài Albazin, nơi người Nga coi là thành trì trong cuộc chinh phục vùng Viễn Đông.
Tháng 6.1685, đội quân của Sa hoàng Nga chỉ có 450 người chống đỡ nhiều đợt tấn công của quân nhà Thanh (từ 3.000-5.000 người), trong suốt nhiều tuần.
Sở hữu lợi thế về quân số nhưng binh sĩ nhà Thanh không đấu lại lính Nga. Điều này giúp pháo đài Albazin trụ vững.
Nhưng vì không nhận được thông tin về quân tiếp viện, những lính Nga đồn trú ở Albazin sau cùng cũng rút lui.
Đế quốc Nga khi đó không dễ dàng từ bỏ Albazin. Một năm sau, người Nga tái chiếm lại pháo đài do người Trung Hoa bỏ hoang. Quân Thanh sau đó lại kéo đến gây chiến.
Trong cuộc giao tranh lần thứ hai này, quân Thanh ước tính tổn thất một nửa trong lực lượng công thành gồm 5.000 người, nhưng vẫn không chiếm lại được Albazin.
Theo hiệp ước Nerchinsk năm 1689, quân Nga rút lui khỏi pháo đài và quân Thanh sau đó đốt luôn pháo đài này. Cuộc chiến này cho thấy người Trung Hoa muốn đẩy Nga khỏi vùng Viễn Đông là điều không hề dễ dàng.
Phong trào Nghĩa Hòa Đoàn
Cuối thế kỷ 19, các cường quốc phương Tây trỗi dậy mạnh mẽ, bao gồm cả Mỹ và Nhật, trong khi nhà Thanh ở Trung Hoa ngày càng lạc hậu, khiến nền kinh tế bị nước ngoài chi phối.
Những người Trung Hoa không muốn chứng kiến cảnh đất nước chịu sự chi phối của người nước ngoài, đã khơi dậy phong trào Nghĩa Hòa Đoàn vào năm 1899.
Làn sóng sát hại người nước ngoài, người Trung Hoa theo đạo Thiên Chúa lan rộng. Những kẻ quá khích còn đốt phá nhà thờ và các tòa nhà của cơ quan đại diện châu Âu trên khắp Trung Hoa.
Kỵ binh Nga tiến đánh bại phong trào Nghĩa Hòa Đoàn.
Từ Hi Thái Hậu ban đầu phản đối phong trào khởi nghĩa, nhưng sau đó ngầm ủng hộ. Liên quân 8 nước gồm Anh, Pháp, Mỹ, Đức, Ý, Nhật, Nga và Áo-Hung lấy lý do phong trào Nghĩa Hòa Đoàn tập kích vào sứ quán của 8 nước này, nên đã đưa quân đổ bộ vào Trung Quốc.
Sau những trận giao tranh ác liệt, quân đội Nga do Trung tướng Nikolai Linevich chỉ huy là lực lượng tiến vào thành Bắc Kinh sớm nhất.
Lợi dụng sự suy yếu của nhà Thanh, Nga bắt đầu nhòm ngó đến vùng Viễn Đông, là cửa ngõ để Nga hướng ra Thái Bình Dương.
Nga buộc nhà Thanh phải ký hiệp ước cho thuê một phần bán đảo Liêu Đông để xây căn cứ hải quân. Nga cũng nắm quyền xây tuyến Đường sắt phía Đông Trung Quốc (CER), nối bán đảo Liêu Đông với lãnh thổ Nga và chạy qua vùng Mãn Châu. Tuyến đường sắt thuộc quyền kiểm soát của Nga, do 5.000 binh sĩ bảo vệ suốt toàn tuyến.
Xung đột Liên Xô-Trung Quốc năm 1929
30 năm sau, tuyến đường sắt CER lại trở thành nơi xảy ra xung đột, nhưng lần này là giữa Liên Xô và Trung Hoa Dân Quốc.
Lợi dụng sự sụp đổ của đế quốc Nga, Trung Hoa Dân Quốc do Tưởng Giới Thạch lãnh đạo tuyên bố nắm toàn quyền kiểm soát tuyến đường sắt.
Kỵ binh Trung Hoa Dân Quốc ở Cáp Nhĩ Tân năm 1929.
Khi Trung Hoa Dân Quốc ráo riết tăng cường lực lượng ở biên giới, Bộ tư lệnh Hồng quân Liên Xô đã quyết định lực lượng đặc biệt vùng Viễn Đông phải nhanh chóng mở cuộc phản công trước khi quá muộn.
Tháng 10-12.1929, 3 đợt phản công diễn ra và lực lượng Trung Hoa Dân Quốc bị đánh bại hoàn toàn. Người Trung Quốc tổn thất 2.000 quân, 8.000 người khác bị bắt làm tù binh. Phía Liên Xô chỉ tổn thất 300 quân.
Theo RBTH, một lần nữa trong lịch sử xung đột Nga-Trung, binh lính Nga chứng minh năng lực chiến đấu vượt trội hơn hẳn quân Trung Quốc đông đảo nhưng không tinh nhuệ.
Kết quả là Liên Xô một lần nữa giành quyền kiểm soát tuyến đường sắt CER. Nhưng hai năm sau, khi đế quốc Nhật xâm lược Mãn Châu, Liên Xô đã phải nhượng lại tuyến đường sắt này.
Xung đột biên giới Liên Xô-Trung Quốc năm 1969
Vào những năm 1960, Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ và cảm thấy cần phải giải quyết tranh chấp lãnh thổ. Năm 1962, Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới, chiếm cao nguyên Aksai Chin từ tay Ấn Độ.
Ở phía đông bắc, Trung Quốc đòi Liên Xô trả lại đảo Damansky (Trung Quốc gọi là đảo Trân Bảo). Hòn đảo này nằm trên sông Ussuri, là con sông tạo thành ranh giới giữa hai nước.
Binh sĩ Trung Quốc tìm cách đổ bộ lên đảo Damansky.
Cuộc đàm phán năm 1965 kết thúc mà không đem lại kết quả, càng khiến quan hệ Liên Xô-Trung Quốc căng thẳng. Các binh sĩ Trung Quốc thường xuyên vượt ranh giới, tuyên bố rằng đây là lãnh thổ của họ và gây ra ẩu đả với binh lính Liên Xô.
Tháng 3.1969, tranh chấp biên giới biến thành xung đột. 2.500 binh sĩ Trung Quốc ồ ạt đổ bộ chiếm đảo. Liên Xô đáp trả bằng các tổ hợp pháo phản lực đa nòng BM-21 Grad.
“18 xe chiến đấu phóng tới 720 quả rocket, mỗi quả nặng 100kg chỉ trong vài phút. Tất cả 720 quả rocket này bay sâu vào trong lãnh thổ Trung Quốc, gây thiệt hại nặng cho một ngôi làng và sở chỉ huy ở tiền phương. Binh sĩ Trung Quốc sau đó rút khỏi hòn đảo, có lẽ họ không ngờ chúng tôi đáp trả mạnh đến vậy”, binh sĩ Liên Xô tên Yuri Sologub kể lại, theo RBTH.
Cuối cùng, Liên Xô thông báo giành lại quyền kiểm soát đảo Damansky. Phía Liên Xô tổn thất 58 binh sĩ còn Trung Quốc tổn thất 800 binh sĩ.
Liên Xô và Trung Quốc nhất trí đóng băng xung đột biên giới, biến hòn đảo thành nơi không có người sinh sống. Ngày 19.5.1991, hòn đảo được Nga nhượng lại cho Trung Quốc.
Theo Danviet.vn
TIN LIÊN QUAN
Chiếc máy bay này được cho là có thể chở 860 người cùng lúc đi khắp thế giới, nhưng lại rơi vào quên lãng do cuộc khủng hoảng kinh tế của thập niên 1990.
01/04/2022
Thụy Điển giành được chiến thắng hải quân lớn nhất trong lịch sử của mình trước người Nga. Tuy nhiên, điều đó không giúp Thụy Điển tái gia nhập câu lạc bộ các đại quốc.
27/10/2021
Những thông tin giá trị do Richard Sorge gửi về Trung tâm, đã giúp Moscow tránh được cuộc tấn công của quân đội Đức.
21/10/2021
Vương triều Romanov gồm nhiều thành viên đang sinh sống tại nước ngoài và gia nhập hoàng gia những nước khác, trong đó có Hoàng thân Philip của Anh.
04/10/2021
Đức coi Aleksandr Demyanov là điệp viên trung thành, nhưng không ngờ ông là tình báo viên Liên Xô và liên tục cấp tin giả khiến đối phương thất bại.
23/09/2021
Thỏa thuận giữa triều đình Thanh, Trung Quốc, với Đế quốc Nga được ký kết bí mật sau khi Trung Quốc thảm bại trước Nhật Bản trong cuộc xung đột 1894-95.
05/04/2021
Sinh ngày 18/6/1901, công chúa Nga Anastasia được đồn là thành viên duy nhất trong gia đình Sa hoàng Nicholas II còn sống sau năm 1918. Vì vậy, những câu chuyện về Anastasia khiến công chúng tò mò về sự thật - giả.
16/02/2021
Tình yêu của Margarita dành cho Einstein là chân thành, trong sáng, nhưng đối với cơ quan tình báo Liên Xô lúc đó, đây quả là một cơ hội ngàn vàng.
31/01/2021
Trong Chiến tranh Lạnh, lực lượng không quân của Mỹ và các đồng minh NATO đã phải giải bài toán khó: phát triển các phương tiện đủ năng lực thâm nhập mạng lưới phòng không ngày càng dày đặc và tinh vi của các nước khối Hiệp ước Warsaw, đặc biệt trên đất Liên Xô, theo Military Watch.
04/01/2021
Cuộc đời chính trị của Eduard Shevardnadze, cựu Ngoại trưởng Liên Xô là một hiện tượng kỳ lạ trên chính trường Xô Viết. Ông thuộc phe cánh Đoàn TNCS. Trên con đường công danh, lúc ông thuộc nhóm này, lúc phe kia. Các nhóm có ông, lúc thăng, lúc trầm, nhưng riêng ông chỉ có thăng chứ không có trầm.
13/12/2020