Lệnh phong tỏa Kaliningrad ảnh hưởng ra sao đến Nga?
Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, nằm cách phần còn lại của nước này hàng trăm dặm về phía Tây, đang trở thành “điểm nóng mới nhất” khi căng thẳng giữa Nga và châu Âu leo thang do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tầm quan trọng của Kaliningrad với Nga
Kaliningrad nằm giữa hai thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và NATO là Ba Lan và Litva, tọa lạc trên bờ biển phía Nam của Biển Baltic, có dân số khoảng 500.000 người. Khu vực này nhận nguồn cung từ Nga thông qua đường sắt và đường ống dẫn khí đốt qua Litva. Kaliningrad không có bất cứ đường biên giới trên bộ với lãnh thổ chính của Nga, như một ốc đảo giữa lòng Châu Âu của Nga, nhưng lại có vai trò quan trọng về mặt thương mại.
Nằm ở vị trí trung tâm châu Âu, Kaliningrad có thể dễ dàng vận chuyển hàng hóa của Nga đến bất cứ khu vực nào của Liên minh châu Âu. Kaliningrad có quan hệ kinh tế tương đối chặt chẽ với các quốc gia châu Âu sau khi Liên Xô tan rã. Nhưng mối quan hệ này dần phai nhạt sau khi EU áp đặt lệnh trừng phạt Nga liên quan đến sự kiện Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.
Ngoài vai trò thương mại, Kaliningrad cũng có tầm quan trọng về mặt chiến lược và quân sự đối với Nga. Từ lâu nơi đây đã được xem như “hàng không mẫu hạm không thể chìm” của Điện Kremlin tại Biển Baltic. Nga có thể triển khai các loại vũ khí ở Kaliningrad để tấn công Tây Âu một cách dễ dàng trong trường hợp xung đột bùng phát. Đây cũng là nơi đóng quân của Hạm đội Baltic Nga và là địa điểm Moscow thử nghiệm tên lửa Iskander có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Sau Chiến tranh Lạnh, Kaliningrad hoạt động như một “đặc khu kinh tế” với mức thuế thấp và hầu như không có thuế nhập khẩu để kích thích sản xuất và đầu tư. Tuy nhiên, nền kinh tế của Kaliningrad đã chững lại sau khi phương Tây áp đặt những lệnh trừng phạt đầu tiên.
Xung đột Ukraine ảnh hưởng ra sao đến Kaliningrad?
Ba quốc gia Baltic là Litva, Estonia và Latvia - nằm trong số những nước ủng hộ lớn nhất đối với Ukraine. Nhà điều hành đường sắt nhà nước Litva LTG cuối tuần qua cho biết, công ty này sẽ không cho phép vận chuyển những hàng hóa của Nga bị EU trừng phạt đi qua lãnh thổ Litva. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 19/6.
Các mặt hàng bị ảnh hưởng gồm dầu thô và các sản phẩm từ dầu mỏ, than đá, kim loại, vật liệu xây dựng, công nghệ tiên tiến, đồ thủy tinh, một số loại thực phẩm và phân bón, rượu, v.v.
Tuy nhiên, việc quá cảnh bằng đường bộ giữa Kaliningrad và các vùng lãnh thổ khác của Nga "không bị đình chỉ hoặc bị cấm” và những hàng hóa không nằm trong danh sách trừng phạt của EU vẫn được cho phép vận chuyển, LTG nêu rõ.
Ông Anton Alikhanov – Thống đốc Kaliningrad cho biết, quyết định nói trên sẽ ảnh hưởng đến một nửa số mặt hàng nhập khẩu của khu vực. Nhiều cửa hàng và trạm xăng dầu tại Kaliningrad đã vội vã dự trữ nguồn hàng, trong khi người dân đổ xô đến các cửa hàng bán vật liệu xây dựng vì nhiều nguyên vật liệu bị cấm vận chuyển bằng đường sắt.
Ngoài khả năng hạt nhân, năng lượng là một trong những vũ khí mạnh nhất trong tầm tay của Tổng thống Putin. Và ông đang sử dụng “con át chủ bài này”.
Liệu có xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung?
Một số nhà phân tích cho rằng, rất khó có khả năng xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung vì lối đi qua Biển Baltic vẫn được mở cửa cho Nga. Thống đốc Alikhanov cho biết, các loại hàng hóa như nhiên liệu và xi măng vẫn có thể được vận chuyển đến Kaliningrad từ Nga bằng đường biển.
Theo nhà chức trách Kaliningrad, khu vực này có rất nhiều thực phẩm và vật tư dự trữ do đó có thể đảm bảo đủ nguồn cung từ 3 đến 6 tháng. Bà Elena Zaitseva, quan chức phụ trách cảng chính của Kaliningrad cho biết, khu vực vẫn sản xuất một lượng đáng kể thịt, sữa và cá, thậm chí còn xuất khẩu ngô, lúa mì và hạt cải dầu trong những năm gần đây.
Phản ứng của Nga
Động thái của chính phủ Litva được cho là “chưa từng có tiền lệ” đối với Moscow. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Vilnius phải đảo ngược động thái "thù địch công khai" này.
“Nếu quá trình vận chuyển hàng hóa giữa khu vực Kaliningrad và phần còn lại của Liên bang Nga qua Litva không được khôi phục hoàn toàn trong thời gian tới, thì Nga có quyền thực hiện các hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ. Bộ này cũng triệu tập trưởng đại diện ngoại giao của Litva tại Moscow để trao công hàm phản đối với cáo buộc quốc gia Baltic này đã vi phạm các thỏa thuận quốc tế.
Tình hình tại Kaliningrad ảnh hưởng ra sao đến NATO?
Litva, Estonia và Latvia gia nhập NATO sau Chiến tranh Lạnh. Cả 3 nước này đều lo ngại xung đột có nguy cơ lan rộng và Nga có thể cố gắng chiếm Hành lang Suwalki (Suwalki Gap) - một dải đất có vai trò quan trọng chiến lược dọc theo biên giới Ba Lan - Litva. Hành lang Suwalki dài khoảng 65km kết nối vùng Kaliningrad của Nga với quốc gia đồng minh Belarus, là con đường bộ duy nhất để Nga có thể chi viện cho vùng lãnh thổ hải ngoại này.
Căng thẳng giữa Nga và NATO dọc theo Hành lang Suwalki bùng phát vào năm 2016 khi các bộ trưởng quốc phòng NATO quyết định đều 4.000 binh sỹ đến Ba Lan và các nước vùng Baltic. Cùng thời điểm đó, Nga đã khởi động cuộc tập trận kéo dài 1 tuần. Nếu Nga có thể kiểm soát hoàn toàn khu vực này, Moscow sẽ dễ dàng chia cắt NATO thành hai nửa, một nửa ở Đông Âu và một nửa ở Baltic./.
Theo: VOV
https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/lenh-phong-toa-kaliningrad-anh-huong-ra-sao-den-nga-post951799.vovTIN LIÊN QUAN
Vùng lãnh thổ hải ngoại Kaliningrad của Nga, nằm cách phần còn lại của nước này hàng trăm dặm về phía Tây, đang trở thành “điểm nóng mới nhất” khi căng thẳng giữa Nga và châu Âu leo thang do ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
21/06/2022
Theo thống kê của công cụ tìm kiếm, kể từ đầu cuộc xung đột ở Ukraine, Nga đã trở thành nước đi đầu trong các yêu cầu mua quốc tịch hoặc giấy phép cư trú của các quốc gia khác.
18/06/2022
Sau khi phải vật lộn với nhiều thách thức về cung ứng hậu cần trong giai đoạn đầu cuộc chiến, Moskva đã quay trở lại với phương pháp vận chuyển có từ thời Liên Xô – đó là phát huy tối đa vai trò của đường sắt.
15/06/2022
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Kissinger cho rằng, các nước phương Tây cần phải tính đến lập trường của Moscow khi giải quyết vấn đề Ukraine nếu không muốn Nga trở thành “tiền đồn của Trung Quốc ở châu Âu”.
12/06/2022
Đồng nội tệ của Nga mạnh có nguy cơ làm giảm sức hấp dẫn đối với hàng xuất khẩu của Nga và là một đòn giáng mạnh vào nguồn thu ngân sách, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng.
12/06/2022
Loạt lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ khiến Nga đánh mất 15 năm thành tựu kinh tế và 30 năm hội nhập, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
09/06/2022
Phương Tây ngày càng chia rẽ trước câu hỏi có nên tiếp tục chuyển vũ khí hạng nặng giúp Ukraine đối đầu Nga trong cuộc xung đột hiện nay hay không.
03/06/2022
Từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, dầu Nga từng chảy vào châu Âu chuyển sang châu Á, trong khi lục địa này tăng mua từ châu Phi, Mỹ.
30/05/2022
Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã giáng một đòn chí mạng vào dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Nhưng Điện Kremlin vẫn có lý do để tin rằng, châu Âu sẽ cần hệ thống đường ống này vào một ngày nào đó.
27/05/2022
Kinh tế Nga có một số tín hiệu tích cực trên lĩnh vực tiền tệ và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu.
18/05/2022