Nga - Mỹ bên bờ vực chiến tranh Lạnh?
Hơi hướng của một cuộc chạy đua vũ trang mới đang dần rõ nét.
Phản ứng nóng
Vài tuần trở lại đây, các vấn đề liên quan tới hệ thống lá chắn tên lửa châu Âu đã khiến cho quan hệ Nga - Mỹ trở lại tình trạng căng thẳng kiểu "mãn tính".
Lần này, một người có phong thái mềm mỏng như Tổng thống Dmitry Medvedev cũng phải tỏ ra "cứng rắn" bất thường trước những động thái mà ông cho là có thể ảnh hưởng tới an ninh của Nga.
Hôm 23/11, Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Liên bang Nga Dmitry Medvedev đã công bố những biện pháp trả đũa mà Nga sẽ áp dụng nếu Mỹ và NATO triển khai hệ thống "lá chắn tên lửa" tại châu Âu mà không tính đến lập trường và lợi ích của nước này.
Mặc dù vậy, lập trường không khoan nhượng của Tổng thống Nga cũng không mang lại các kết quả như mong đợi. Mỹ vẫn kiên trì khẳng định rằng "các hệ thống phòng thủ tên lửa được dự định triển khai ở Châu Âu này không và không thể đe doạ khả năng răn đe chiến lược của Nga".
Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cũng bày tỏ sự "hết sức thất vọng" trước việc Nga doạ triển khai tên lửa trên biên giới với Liên minh Châu Âu nhằm đáp lại kế hoạch của Mỹ về hệ thống phòng thủ ở Đông Âu.
Tuy nhiên, những lời "hứa suông" kiểu này của Mỹ và NATO không thể thuyết phục được giới chức Nga. Ai cũng có thể thấy rõ tiềm lực công phá và mức độ nguy hiểm của các tàu tuần dương và tàu khu trục được trang bị vũ khí biến đổi gen, hệ thống chiến đấu đa chức năng và các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp, và có thể cả tên lửa Tomahawk cách biên giới Nga không bao xa.
Konstantin Sivkov - phó chủ tịch thứ nhất của Viện hàn lâm Các vấn đề Địa chính trị cho rằng: "Mỹ đang gia tăng các đe doạ quân sự gần biên giới của Nga và đã sẵn sàng chọc tức Nga thêm một lần nữa".
Để chứng minh rằng Nga không "nói chơi", Bộ Quốc phòng nước này đã được chỉ thị đưa vào trực chiến trạm rađa cảnh báo mọi cuộc tấn công bằng tên lửa tại tỉnh Kaliningrad; khẩn cấp áp dụng những biện pháp cần thiết nhằm bảo vệ các công trình thuộc lực lượng hạt nhân chiến lược trong khuôn khổ chương trình thành lập hệ thống phòng thủ phòng không-vũ trụ Nga; trang bị các tên lửa đạn đạo chiến lược có khả năng tiêu diệt mọi "lá chắn tên lửa" của Mỹ và NATO cho binh chủng tên lửa chiến lược Nga và Hải quân Nga; đề ra các biện pháp hữu hiệu nhằm vô hiệu hoá mọi hệ thống thông tin và điều khiển Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) của Mỹ và Hệ thống phòng thủ tên lửa chung châu Âu (AMD) của NATO.
Chính sách lạnh
Ngoài việc "dàn quân" ở tư thế sẵn sàng cho tình huống bất trắc, những diễn biến mới đây của cả Nga và Mỹ đều theo hơi hướng trở lại thời kỳ chạy đua vũ trang.
Ông Medvedev "doạ" Nga có thể từ chối thực hiện các biện pháp giải trừ quân bị và kiểm soát vũ khí, kể cả việc rút khỏi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược (START mới) nếu Mỹ tiếp tục triển khai NMD tại châu Âu và NATO tiếp tục thành lập AMD mà không có sự tham gia của Nga.
Một mặt, Tổng thống Nga vẫn "để ngỏ" phương án đối thoại với Mỹ về NMD và NATO về AMD nếu các bên tính đến lợi ích an ninh của Liên bang Nga. Ông Medvedev cũng đồng ý đưa ra cam kết pháp lý liên quan đến "lá chắn tên lửa" và đồng ý thành lập cơ sở pháp lý rõ ràng cho sự hợp tác Nga-Mỹ cũng như Nga-NATO trong vấn đề phòng thủ tên lửa.
Mặt khác, Nga cũng công bố tăng thêm ngân sách cho quốc phòng 17% so với năm 2011. Phó Thủ tướng Nga Sergei Ivanov cho biết, Nga có kế hoạch chi khoảng 1,1 nghìn tỷ Rúp (35 tỷ USD) để mua sắm vũ khí trong năm 2012. Ông Ivanov nói thêm: trong ba năm tới đây, các khoản chi tiêu cho quốc phòng vẫn ở mức "đáng kể".
Mỹ cũng không chịu ngồi yên trước thái độ và những hành động này của Nga. Để đáp trả, Nhà Trắng đã ngừng cung cấp thông tin về các loại vũ khí thông thường và binh lính ở châu Âu cho Nga, viện cớ rằng Nga không thực hiện các điều khoản trong Hiệp ước Các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE).
Theo lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ, Mỹ sẽ không tuân thủ các điều khoản trong CFE với Nga và Moscow sẽ không được thanh sát các căn cứ của Mỹ.
Trên thực tế, phía Nga cho rằng hiệp ước này (ký vào tháng 11/1990) đã lỗi thời và có nhiều điểm bất lợi cho Moscow, nên họ đã ngưng thực thi từ năm 2007. Sự hiện diện của hiệp ước này hầu như chỉ còn mang tính tượng trưng.
Syria - Mặt trận mới
Tại châu Âu, mặc dù Nga - Mỹ đang "dàn súng ống" để thị uy nhưng rất khó có khả năng xung đột trực tiếp sẽ nổ ra (bởi một khi súng nổ, hậu quả cả hai sẽ "lĩnh đủ"). Thay vào đó, một chiến trường thật sự của các cường quốc lại đang dần hình thành tại Syria.
Hôm 18/11, Nga đã gửi tàu chiến tới vùng biển Tartus của Syria. Các tàu này sẽ không thả neo ở cảng mà sẽ hoạt động dọc bờ biển nước này để ngăn chặn các cuộc can thiệp từ bên ngoài. Theo một số nguồn tin, xe tăng của Nga cũng hiện diện tại Damacus để hậu thuẫn cho chính quyền Tổng thống Bashar Assad . Giữa Moscow và Damacus đang có các hợp đồng bán vũ khí với trị giá khoảng 3,5 tỉ USD. Ngoài ra, Nga còn được cho là đang giúp Syria lắp giàn tên lửa S-300, hệ thống ra-đa tân tiến tại các cơ sở công nghiệp và quân sự tại Syria.
Trước đó vài ngày, hai tàu sân bay của Mỹ là USS Bush và USS Stennis đi qua Eo biển Hormuz và đóng ngay đối diện với bờ biển Iran. Rick Perry - ứng viên Tổng thống Mỹ (Đảng Cộng hoà) đã kêu gọi chính quyền Obama áp đặt một một vùng cấm bay tại Syria mà không cần chờ tới sự đồng ý của Liên Hợp Quốc.
Những cuộc điều động này khiến cho nhiều người lo ngại rằng ngoài các mâu thuẫn nội bộ đang ngày một căng thẳng hơn, tương lai của Syria càng trở nên mờ mịt hơn khi mà rất có thể các cường quốc sẽ có cuộc so găng thật sự tại đây.
Bạo loạn tại Syria đã kéo dài gần 8 tháng nay và đang leo thang thành xung đột thật sự. Giao tranh giữa lực lượng đối lập và binh lính của Tổng thống Bashar Assad đã khiến cho 3500 thường dân Syria và khoảng 700 cảnh sát thiệt mạng.
Trong bối cảnh đó, Đức, Pháp và Anh đã đề xuất Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lên án vi phạm nhân quyền tại Syria. Nhưng những ý tưởng kiểu này đã vấp phải phản kháng từ phía Nga. “Không được biến Liên hợp quốc thành công cụ lật đổ chính quyền ở các nước” - Tổng thống Nga Dmitry Medvedev khẳng định.
Bên cạnh thực tế rằng Syria được cho là "sân sau" của Nga, những nỗ lực của Moscow đối với Damacus còn nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công nhằm lật đổ chính phủ của Tổng thống Assad theo cách mà liên quân đã tiến hành với chính quyền Lybia. Phía Nga vẫn bảo lưu quan điểm rằng cách tiếp cận của NATO với Lybia là một tiền lệ xấu.
Quan trọng hơn nữa, nếu chính quyền Tổng thống Bashar Assad bị lật đổ, Syria sẽ rơi vào xung đột sắc tộc nghiêm trọng. Nhưng với phương Tây, Syria sẽ là "quân hậu" để "chiếu tướng" thẳng vào Iran.
Tựu chung lại, các chiều hướng của cuộc chạy đua vũ trang giữa Nga và Mỹ vẫn khó đoán định trong tương lai xa, vì cả hai đều đang chuẩn bị cho việc bầu tổng thống mới; nhưng không thể phủ nhận tình trạng đối ngoại hiện nay sẽ tác động rất lớn tới việc thiết lập lại quan hệ giữa hai nước khi lãnh đạo mới lên cầm quyền.
TIN LIÊN QUAN
Phương Tây ngày càng chia rẽ trước câu hỏi có nên tiếp tục chuyển vũ khí hạng nặng giúp Ukraine đối đầu Nga trong cuộc xung đột hiện nay hay không.
03/06/2022
Từ khi khủng hoảng Ukraine nổ ra, dầu Nga từng chảy vào châu Âu chuyển sang châu Á, trong khi lục địa này tăng mua từ châu Phi, Mỹ.
30/05/2022
Chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine đã giáng một đòn chí mạng vào dự án Nord Stream 2 (Dòng chảy phương Bắc 2). Nhưng Điện Kremlin vẫn có lý do để tin rằng, châu Âu sẽ cần hệ thống đường ống này vào một ngày nào đó.
27/05/2022
Kinh tế Nga có một số tín hiệu tích cực trên lĩnh vực tiền tệ và thị trường hàng hóa. Tuy nhiên, Nga vẫn phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nguyên vật liệu nhập khẩu.
18/05/2022
Thị trường dầu bị xáo trộn vì cuộc chiến ở Ukraine. Nhưng nếu phương Tây quyết định áp thuế đối với dầu Nga thay vì cấm vận, nguồn cung trên thị trường có thể được đảm bảo.
18/05/2022
Việc một quốc gia tuyên bố chiến tranh có thể giúp chính phủ nước đó được sự ủng hộ nhiều hơn từ người dân trong nước, dễ dàng huy động lực lượng, nhưng cũng có thể kéo theo nhiều bất lợi.
08/05/2022
Trang mạng của Câu lạc bộ Valdai- trung tâm phân tích của giới chuyên gia hàng đầu Nga, vừa có bài viết nhận định năm 2022 là tròn 10 năm Nga xoay trục sang phía Đông. Có rất nhiều câu hỏi về hiệu quả của kế hoạch này.
08/05/2022
Đồng rúp của Nga có thể tăng giá hơn nữa, theo nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Kinh tế Nga Plekhanov, ông Sergey Kopylov.
08/05/2022
Tác động về thương mại, năng lượng, lạm phát có thể kéo dài hàng thập kỷ, nhưng Đông Âu sẵn sàng chấp nhận và không nhượng bộ Nga.
07/05/2022
Một số tín hiệu cho thấy kinh tế Nga đang trên đà hồi phục sau giai đoạn đầu căng thẳng, nhưng một số dự báo vẫn kém lạc quan.
06/05/2022